Shearer: ‘man Utd Trở Nên Tầm Thường’ 620a256ed69ac.png

Shearer: ‘Man Utd trở nên tầm thường’

AnhTrong bài viết trên báo Anh The Athletic, cựu tiền đạo Alan Shearer cho rằng Man Utd hiện chỉ là đội bóng tầm thường, với văn hoá đổ lỗi.

Nhìn vào Man Utd, tôi thấy sự hỗn loạn. Đội bóng không hề có chút bản sắc nào, và hạn hẹp chiến lược. Ba HLV gần nhất của họ cũng đều chỉ được bổ nhiệm tạm thời.

Man Utd đã thành một đội bóng tầm thường, do các HLV tạm quyền dẫn dắt. Quyền lực của HLV bị phân tán, còn cầu thủ luôn có vô vàn lời bào chữa. Đội bóng đã chi số tiền khổng lồ, chỉ để biến mình thành tầm thường.

Tình huống Harry Maguire giẫm lên chân tiền đạo Southampton trong cấm địa Man Utd, ở vòng 25 Ngoại hạng Anh hôm 12/2. Ảnh: Shutterstock

Tình huống Harry Maguire giẫm lên chân tiền đạo Southampton trong cấm địa Man Utd, ở vòng 25 Ngoại hạng Anh hôm 12/2. Ảnh: Shutterstock

Trên sân, Man Utd lộn xộn và rời rạc, ảo tưởng và thường mất kiểm soát. Cầu thủ chỉ luôn muốn đổ lỗi cho người khác, và không hiểu vai trò của bản thân trên sân. Man City chơi bóng kiểu áp đặt, ưu tiên chuyền và kiểm soát bóng. Liverpool chơi với đội hình dâng cao, gây áp lực để đoạt lại bóng sớm từ tuyến trên. Hai đội này đều hiệu quả như cỗ máy. Khi một cầu thủ vắng mặt, người khác thay thế khiến cỗ máy thay đổi không đáng kể. Họ ở đẳng cấp khác hẳn.

Man Utd thì sao? HLV Southampton Ralph Hasenhuttl nhận xét sau trận hoà 1-1 ở Old Trafford: “Có một thực tế là mỗi khi mất bóng, không phải cầu thủ nào của Man Utd cũng cài số lùi theo cách tốt nhất”.

Old Trafford giống như nhà hát, nơi họ mơ mộng về sự cạnh tranh và các danh hiệu thiếu thực tế. Man Utd đang đứng thứ năm Ngoại hạng Anh, vị trí được nhiều đội bóng mơ đến. Nhưng với Man Utd, vị trí đó chỉ là miền đất hoang.

Man Utd đã thành một đội bóng ồn ào, lộn xộn và nhiều lỗ hổng. Những tin tức gần đây cho thấy các cầu thủ không thích giáo án huấn luyện của Ralf Rangnick. Họ muốn Mauricio Pochettino xuất hiện từ mùa sau. Khi thắng, đội bóng không vui mừng. Ngôn ngữ cơ thể của Cristiano Ronaldo ở từng trận đấu cho thấy thói quen kêu ca đã đeo bám Man Utd nhiều năm qua.

Rõ ràng các cầu thủ Man Utd phải nhìn lại bản thân. Liệu họ có đang làm tốt như yêu cầu không? Câu trả lời là không. Nhưng tôi cũng nhận thấy họ thiếu cự ly đội hình và mục đích chơi bóng cụ thể. Đôi chân của họ lộ rõ sự nặng nề. Họ có cái cớ khi đội bóng lộn xộn từ thượng tầng đổ xuống.

Sai một ly, đi một dặm. Cố HLV Bobby Robson từng nói như thế nhiều lần. Các HLV luôn muốn tạo ra một văn hoá không đổ lỗi trong đội bóng. Họ muốn tạo ra cho cầu thủ những điều kiện và tài nguyên tốt nhất, chỉ rõ cho họ biết nhiệm vụ của từng người. Khi đó, cầu thủ sẽ phải tự nhận trách nhiệm, không còn cách nào để đổ lỗi.

Chúng ta không nghe thấy sự ồn ào nào tương tự từ Liverpool hay Man City, khi họ đang thắng liên tục. HLV cần chứng minh cho cầu thủ thấy phương pháp của ông ta sẽ đem lại tác dụng. Cầu thủ nào muốn đá chính, phải thể hiện tốt nhất. Nếu bị gạt khỏi đội hình chính, họ phải nỗ lực gấp đôi để trở lại. Phương pháp này có thể gọi là “thuật giả kim”, nhưng Man Utd không hề có ý niệm nào như thế.

Rangnick vỗ tay tri ân khán giả sau trận thắng Brentford hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Rangnick vỗ tay tri ân khán giả sau trận thắng Brentford hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra điều này. Man Utd có thể coi là đội bóng lớn nhất thế giới, nhưng lại đang dùng HLV tạm quyền. Ông ta chỉ dành 2 trong 11 năm qua để huấn luyện cầu thủ. Họ đưa một Giám đốc Kỹ thuật về làm HLV tạm quyền. Trợ lý của ông ta lại là một người lần đầu làm giám đốc kỹ thuật – Darren Fletcher. Trước đó, Carrick cũng làm HLV tạm thời. Trước đó nữa, Ole Gunnar Solskjaer cũng bắt đầu công việc trong vai trò HLV tạm quyền.

Đây không phải cách hoạt động của một tổ chức muốn gặt hái thành công. Tôi không muốn chỉ trích Rangnick. Nhưng ông gia nhập đội bóng giống như một cầu thủ dự bị vào sân đến cuối mùa. Sau đó, ông ấy có thể được đề nghị làm HLV chính thức, hoặc đảm nhận vai trò tư vấn. Điều này thật vô nghĩa. Tư duy tập thể ở đâu? Ai đưa ra những quyết định quan trọng? Và cầu thủ phản ứng thế nào với những thay đổi này?

Cầu thủ cần một sự đảm bảo. Cũng như mọi bước đường khác trong cuộc sống, cầu thủ muốn biết nhiệm vụ của họ là gì. Họ muốn nhìn quanh phòng thay đồ và nhận ra rõ vai trò của từng đồng đội. Càng nhiều HLV xuất hiện, hệ thống và chiến thuật càng thay đổi, còn đội bóng càng thiếu bền vững. Điều đó không cản trở đến việc cầu thủ tỏ ra chuyên nghiệp hay cật lực, nhưng ảnh hưởng tới tâm lý của họ.

Tôi đã có trải nghiệm về vấn đề tương tự. Khi Ruud Gullit thành HLV Newcastle, ông ấy muốn loại bỏ những cầu thủ kỳ cựu, trong đó có tôi. Đấy là đặc quyền của Gullit, ngay cả khi tôi không bằng lòng. Nhưng trước mắt ông ấy vẫn cần vài cầu thủ kỳ cựu. Phòng thay đồ bị rạn nứt, còn tôi mất tự tin. Những điều từng là bản năng của tôi, bỗng dưng trở thành xa lạ. Tôi không hề giảm đi sự nỗ lực, nhưng hiệu quả chơi bóng của tôi đã tệ hơn.

Phải nhờ tới khi Bobby Robson xuất hiện, ông mới đưa mọi thứ trở về căn bản. Ông nhắc nhở tôi hiểu được tôi là ai, và tôi phải làm gì. Khi đó, lớp sương mù bao quanh đội bóng mới tan biến.

Tôi thấy Man Utd đang gặp tình cảnh tương tự. HLV đến và đi liên tục. Mọi người nói thể lực của họ đã được cải thiện. Nhưng sau mỗi thất bại, đôi chân cầu thủ thường cảm thấy bị chai lì, căng thẳng dồn lên não. Cầu thủ bắt đầu cảm thấy những cơn đau, khiến hiệu quả chơi bóng giảm đi vài phần trăm.

Khi mới xuất hiện, Rangnick nói rằng ông muốn dùng sơ đồ 4-2-2-2 ở Man Utd. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra điều đó là không thể. Man Utd đang muốn đi theo hướng nào? Mọi người đều mơ hồ và khiến đội bóng mất cân bằng.

Ronaldo tỏ ra giận dữ trong trận hoà Chelsea hôm 28/11. Ảnh: Reuters

Ronaldo tỏ ra giận dữ trong trận hoà Chelsea hôm 28/11. Ảnh: Reuters

Thương vụ Cristiano Ronaldo cũng ảnh hưởng phần nào tới Man Utd. Câu chuyện này rất cảm động, và tôi hiểu Man Utd không cho phép cậu ấy gia nhập kình địch. Nhưng quyết định như thế dẫn tới hậu quả rất lớn.

Tình hình hiện tại cho thấy Paul Pogba và Jesse Lingard đều sẽ ra đi vào cuối mùa, theo dạng tự do. Điều đó có nghĩa Man Utd sẽ đổ khoảng 176 triệu USD xuống bồn cầu. Các vụ chuyển nhượng tự do không hiếm, nhưng ở đây có vẻ như Man Utd đã sơ suất dẫn tới thiệt hại.

Ronaldo hẳn đang nghĩ: “Mình đã vấp phải cái gì đây?”. Cậu ấy là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất từng chơi bóng trên hành tinh này. Nhưng, cậu ấy cũng đã 37 tuổi. Ronaldo không muốn phải dự bị, hay bị thay ra sân, vì cậu ấy có ý chí chiến thắng và quyết tâm không bao giờ bị đánh gục. Cậu ấy muốn chơi từng phút trên sân. Dĩ nhiên điều này tạo ra áp lực cho HLV.

Tôi không đổ lỗi cho Ronaldo về bất cứ điều gì đang diễn ra ở Man Utd. Ronaldo có quyền tin rằng Man Utd có thể tệ hơn nhiều so với hiện tại nếu không có cậu. Ronaldo có thể đúng. Một lần nữa, tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống cậu ấy. Ở cuối sự nghiệp, tôi vài lần bị gạt khỏi đội hình hoặc bị thay ra. Tôi không giải thích nổi là mình ghét cảm giác đó đến nhường nào. Tôi ghét từng giây phút không được thi đấu. Tôi cảm thấy đáng xấu hổ, như bị sỉ nhục. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy thế.

Ronaldo có nên cư xử lịch thiệp hơn khi hết trận không? Cẩn động viên các đồng đội không? Các cầu thủ trẻ phải cảm thấy giấc mơ thành hiện thực, khi làm đồng đội với Ronaldo. Đáng lẽ họ phải tìm đến Ronaldo và xin lời khuyên từ một cầu thủ như cậu ấy mới đúng. Mọi người đã nhìn nhận sai về thái độ của Ronaldo. Vấn đề của Man Utd là hàng thủ tệ hại. Ronaldo không bào chữa, mà cậu ấy chỉ giận dữ với tình trạng của đội bóng, và đòi hỏi mọi thứ phải tốt lên.

Nhưng Ronaldo đòi hỏi điều đó từ ai? Ai sẽ đáp ứng yêu cầu của Ronaldo? Họ sẽ đáp ứng khi nào và bằng cách nào? Man Utd có thể tiến bộ hơn thay vì tệ đi không? Tôi không thể trả lời những câu hỏi này.

Xuân Bình (theo Athletic)