Ronaldo ở đâu Khi Mu Thua Atletico 6231a5a64b18f.jpeg

Ronaldo ở đâu khi MU thua Atletico

“Mr Champions League” (Quý ngài Champions League) là từ khóa được nhắc tới nhiều nhất trên mạng xã hội trong khoảng 3 giờ sau thất bại của MU trước Atletico Madrid tại Champions League.

“Mr Champions League” ở đây là Cristiano Ronaldo, người vừa xô đổ kỷ lục về số phút ra sân nhiều nhất của Iker Casillas, và cũng là chân sút số một của đấu trường danh giá này.

Trước Atletico Madrid, Mr Champions League không tung ra nổi dù chỉ một cú sút trúng đích.

 - Bóng Đá

 Ronaldo không thể làm gì trước Atletico Madrid. Ảnh: Reuters.

Ronaldo ở đâu?

Không ai còn nhận ra Ronaldo lập hat-trick vào lưới Tottenham cũng trên chính sân Old Trafford. Suốt 90 phút trước Atletico, Ronaldo chỉ là cái bóng của chính anh vài ngày trước. Siêu sao người Bồ Đào Nha chạm bóng 50 lần, không tung ra cú sút nào, cũng không tung ra đường chuyền nào đáng kể.

Nỗ lực đáng chú ý nhất của CR7 là cú móc bóng bị Jan Oblak tóm gọn trong tư thế việt vị.

 - Bóng Đá

 Ronaldo bị hàng phòng ngự nhiều lớp của Atletico phong tỏa kỹ càng. Ảnh: Reuters.

Atletico vốn là đối thủ ưa thích của Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha ghi 25 bàn vào lưới Rojiblancos trong cả sự nghiệp Ở chiều ngược lại, Atletico cứ gặp CR7 là thất bại tại Champions League. Cái dớp này lớn tới mức Diego Simeone từng thẳng thắn nhận định Ronaldo giỏi hơn Messi bất chấp việc bị dư luận Argentina chỉ trích dữ dội.

“Với đội bóng sở hữu lối chơi đồng đều, Messi sẽ hay hơn. Chúng ta đang bàn đến khía cạnh chiến thuật của một đội bóng. Cristiano có thể định đoạt trận đấu theo nhiều cách khác nhau, cậu ấy không cần 10 cơ hội để nổ súng. Chỉ cần đánh đầu 2 cú là ghi 2 bàn, thế là kết liễu đối thủ”.

Tại Old Trafford, Ronaldo bị khóa chặt. Giống hệt trận lượt đi, khoảng không gian chơi bóng của CR7 hoàn toàn không còn khi Simeone giăng bẫy thành công MU với chiến thuật phòng ngự lùi sâu và phản công nhanh theo trục dọc. Atletico cho MU không gian chơi bóng, nhưng đổ bê tông hoàn toàn ở 1/3 cuối sân. MU vì thế chỉ có thể chuyền qua lại không hiệu quả. Và dĩ nhiên, Ronaldo không có cơ hội.

Atletico dĩ nhiên cũng dành cho CR7 sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn hẳn các nhân tố còn lại. Anthony Elanga, Bruno Fernandes hay Jadon Sancho đều có các cơ hội tung ra những cú đá trong tư thế tương đối thoải mái. Ronaldo thì không. Simeone rõ ràng quá hiểu CR7, và El Cholo nhất quyết không cho siêu sao người Bồ Đào Nha cơ hội dù là nhỏ nhất để ghi bàn.

Khóa được Ronaldo đồng nghĩa với việc phong tỏa được MU? Điều này không sai. Vì đâu còn ai trong đội hình “Quỷ đỏ” biết tạo ra đột biến. Kể cả HLV Ralf Rangnick vốn được tung hô là bậc thầy pressing. Báo chí và truyền thông Anh chẳng mất quá nhiều thời gian để hướng mũi dùi vào ông thầy người Đức khi trận đấu kết thúc.

“Tôi chẳng hiểu vì sao ông ta được chọn làm HLV của MU trong 6 tháng nữa”, Paul Scholes lên tiếng. Guardian mô tả: “Những thay đổi của Rangnick trở nên vô nghĩa trước Atletico đầy sắc sảo”.

Rangnick làm được gì trước Atletico? Ông thầy người Đức bất lực trong việc đối mặt với đội hình chủ động phòng ngự lùi sâu của Atletico. Làm cách nào để pressing một đối thủ chẳng thèm giữ bóng? Đó là câu hỏi Rangnick không thể giải đáp. Và MU thất bại, như lẽ tất yếu, dù có hay không có Ronaldo.

Ronaldo và Fernandes không hợp nhau?

MU đã thắng Tottenham 3-2 với cú hat-trick của CR7 trong trận đấu Fernandes bị ốm và không thể ra sân. Paul Pogba là người chơi ngay sau CR7 cùng cặp tiền vệ Fred – Matic.

Chí ít là cách bố trí này đã cho ra kết quả không đến nỗi tồi, nếu so sánh với các trận cầu đáng thất vọng của “Quỷ đỏ” trước đó như hòa Watford 0-0, hòa Southampto và Burnley (đều với tỷ số 1-1) khi Ronaldo và Fernandes.

 - Bóng Đá

 Bản đồ nhiệt của Ronaldo (trái) và Fernandes trước Atletico.

Khi MU quay lại với công thức Ronaldo – Fernandes, MU lập tức gặp vấn đề. Cả hai ngôi sao tấn công người Bồ Đào Nha có xu hướng giẫm chân nhau trong khâu tấn công. Fernandes không phải mẫu chân chuyền ưa thích của Ronaldo như Mesut Oezil. Ngôi sao người Bồ Đào Nha thích lao lên tấn công trực diện vào khung thành đối thủ hơn là lùi lại dọn cỗ cho đồng đội.

Nếu theo dõi trên bản đồ nhiệt, chúng ta có thể thấy khoảng không Ronaldo và Fernandes hoạt động có sự trùng khớp. Điều này kéo theo việc MU gặp rắc rối trong quá trình kéo dãn hàng phòng ngự Atletico.

Đây cũng từng là vấn đề ĐT Bồ Đào Nha phải đối mặt tại Euro 2020, giải đấu họ được đánh giá là một trong những ứng viên vô địch, nhưng sau cùng phải dừng bước ở vòng 1/8.

Ai là người chịu trách nhiệm cho quá trình này? Dĩ nhiên là HLV Rangnick. Không nhiều HLV có lực lượng tốt như MU, song những gì ông làm được cùng đội ngũ này thật đáng thất vọng.

Sau 19 trận dẫn dắt MU, Rangnick không thắng 10 trận. Những bài toán chưa được giải dưới thời Ole Solskjaer cũng đang chịu chung số phận dưới thời nhà cầm quân người Đức. Harry Maguire vẫn chơi tệ. Paul Pogba vẫn chưa thể tỏa sáng như kỳ vọng. Marcus Rashford đang ngày một đánh mất mình. Và dĩ nhiên, Ronaldo và Fernandes không thể hòa hợp.

Rangnick đáng trách một, thì phải quy trách nhiêm mười cho đội ngũ lãnh đạo MU. Việc bổ nhiệm HLV tạm quyền từ tháng 11 rõ ràng không mang lại hiệu quả khi MU vẫn còn cả đấu trường Champions League lẫn Premier League ở trước mắt. Các cầu thủ cũng không thể toàn tâm toàn ý thi đấu cho HLV chắc chắn sẽ không dẫn dắt mình ở mùa giải sau.

MU chắc chắn trắng tay mùa này. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Lúc này, “Quỷ đỏ” đang đứng thứ 5 tại Premier League và đối diện với nguy cơ bị Arsenal bỏ lại trong cuộc đua vào top 4. Nếu không thể cải thiện phong độ, khả năng MU phải chơi bóng tại Europa League mùa sau.

Nếu điều đó xảy ra, thật quá khó để tưởng tượng đối với CLB đã mua tiền đạo hay nhất lịch sử Champions League lẫn trung vệ giành gần như trọn vẹn mọi danh hiệu cao quý nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021.

Nhật Anh – Zing.vn | 12:55 16/03/2022